Cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố là vi phạm Pháp luật?

Tình trạng cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố rất phổ biến. Nhất là vào thời kỳ những năm 80, 90. Tuy nhiên, ngày nay Sổ đỏ là tài sản to lớn và có giá trị cao nên thường được cầm cố nhằm vay tiền giải quyết rắc rối lớn trước mắt. Vậy, dưới góc độ Pháp lý, người dân cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố có phải là hành vi vi phạm Pháp luật không?

Cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố là vi phạm Pháp luật?

1. Hành vi cắm Sổ đỏ để vay tiền là gì? Thuộc diện cầm cố hay thế chấp?

Hành vi cắm Sổ đỏ để vay tiền tại các cửa hàng cầm cố là hành động người cầm cố để lại một vật có giá trị và người chủ cửa hàng sẽ đưa tiền mặt cho người cầm cố bằng với giá trị đã được trao đổi và thống nhất giữa hai bên. Cụ thể ở đây sản phẩm cầm cố là Sổ đỏ.

Theo Pháp luật, thì việc cắm Sổ đỏ là cầm cố hay thế chấp? Người dân cần hiểu rõ “cầm cố” và “thế chấp” là hai hành vi có tính chất hoàn toàn khác nhau. Nó liên quan đến nghĩa vụ các bên phải thực hiện, đồng thời bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp nếu có tranh chấp xảy ra.

1.1 Thế chấp tài sản là gì?

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 317 có nêu rõ:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

  1. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.

Như vậy, căn cứ theo điều luật đã quy định, có thể hiểu đơn giản thế chấp tài sản là bên thế chấp không trực tiếp giao tài sản cho bên nhận thế chấp mà chỉ giao ra giấy tờ, giấy đăng ký… Còn riêng đối với đất đai, khi thế chấp tài sản là đất đai thì phải đăng ký và có hiệu lực kể từ khi được đăng ký vào sổ địa chính.

Xem thêm: Quy trình, thủ tục giải chấp Sổ đỏ mới nhất năm 2022!

1.2 Cầm cố tài sản là gì?

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 309 có nêu rõ:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Như vậy, theo điều luật đã quy định thì cầm cố tài sản là hình thức vay tiền có bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Người cầm cố sẽ giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố. Còn bên nhận cầm cố sẽ trao số tiền bên cầm cố vay. Một lưu ý nhỏ là đối tượng của cầm cố phải là tài sản, nếu không phải là tài sản sẽ không được cầm cố.

1.3 Vậy “cắm” đồ có được coi là cầm cố tài sản không?

Hành động “cắm” đồ là cách nói dân dã của người dân trong cuộc sống hàng ngày. Có thể hiểu “cắm” là hành vi cầm cố tài sản vì theo phân tích, bên cắm đồ phải giao tài sản cần cắm đó cho cửa hàng cầm đồ. Chứ cắm Sổ đỏ để vay tiền không phải là hành vi thế chấp tài sản.

2. Cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố là vi phạm Pháp luật?

Căn cứ theo các điều luật ở trên có thể kết luận, cầm đồ là cầm cố tài sản. Tức là đối tượng cầm cố phải là tài sản. Vậy Sổ đỏ, Sổ hồng có được coi là tài sản không?

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 105 có nêu rõ:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

  1. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Như vậy có thể thấy Sổ đỏ, Sổ hồng không đáp ứng được các thuộc tính của tài sản, vì thế nó không phải là tài sản. Mặc dù Pháp luật không quy định chi tiết về thuộc tính của tài sản. Nhưng từ góc độ thực tế, tài sản phải có đủ các thuộc tính sau:

– Con người có thể chiếm hữu được.

– Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể.

– Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.

– Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt (đối với đất là quyền sử dụng).

Trong cả 4 thuộc tính trên thì thuộc tính cuối cùng là không đúng đối với Sổ đỏ, Sổ hồng. Vì giả sử Sổ đỏ, Sổ hồng bị cháy hoặc bị thất lạc thì quyền sở hữu không bị chấm dứt. Chỉ cần người bị mất đi làm thủ tục cấp lại Sổ đỏ khi bị mất là được.

Như vậy, hành vi cắm Sổ đỏ để vay tiền tại cửa hàng cầm cố là hành vi sai trái nếu xét về góc độ Pháp lý. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều người thực hiện hành vi này và gần như không ai bị phạt hay bị tố cáo khi vi phạm.