San lấp đất bằng phế thải xây dựng có bị xử phạt không?

San lấp đất bằng phế thải xây dựng có bị xử phạt không?

Hiện nay, tình trạng người dân san lấp đất bằng phế thải xây dựng đối với các loại đất ruộng, ao xảy ra thường xuyên. Hành vi này là vi phạm Pháp luật và sẽ bị xử phạt nếu phát hiện.

Vậy san lấp đất bằng phế thải xây dựng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hành vi này có được xem là hủy hoại đất không?

Hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng không đúng nơi quy định bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Công văn 12/BXD-TTr năm 2018 hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong quản lý chất thải rắn xây dựng:

“Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với công tác quản lý chất thải nói chung và hành vi đổ chất thải rắn xây dựng không đúng nơi quy định nói riêng đã được quy định tại: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định tại Điều 20 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Điều 27 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt đối với hoạt động vận chuyển, phương tiện vận chuyển chất thải tại; Khoản 1 Điều 15; Khoản 1 Điều 30; Điểm c Khoản 1, Điểm c Khoản 2 Điều 41; Khoản 1 Điều 42; Khoản 1 Điều 44; Khoản 1 Điều 46, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt đối với một số hành vi đổ thải phế thải xây dựng”.

Như vậy, hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng có được coi là không hợp pháp do không đúng nơi quy định hay không sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu trường hợp đó bị cho vào diện vi phạm vì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định đã được liệt kê ở trên.

Xử phạt hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng đối với đất ruộng.

Hiện nay, tình trạng đất ruộng bị san lấp bởi các loại phế thải như cát, xi măng, sỏi… xảy ra thường xuyên, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng miền núi. Ở đây cơ quan quản lý còn lỏng lẻo, kiến thức về Pháp luật của người dân còn hạn chế.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định tại Khoản 3, Điều 3 có nêu rõ:

“3. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:

  1. a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.
  2. b) Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp”.

Như vậy, hành vi san lấp đất bị quy vào hủy hoại đất nếu sự san lấp đất ruộng bằng phế thải xây dựng có khả năng làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Tất cả đều bị xem là hành vi hủy hoại đất và sẽ bị xử phạt hành chính theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.

Xem thêm: 6 trường hợp không được thế chấp Sổ đỏ nhất định phải biết!

Hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng có được coi là hủy hoại đất không?

Để hiểu rõ hơn về hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng sẽ bị xử phạt như thế nào? Cụ thể mức phạt là bao nhiêu, cần căn cứ theo Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:

1. San lấp đất bằng phế thải làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất.

Khi san lấp đất bằng phế thải xây dựng mà gây ảnh hưởng đến loại đất đó. Cụ thể trong trường hợp này là làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

2. Hành vi san lấp đất bằng phế thải gây ô nhiễm.

Đối với việc san lấp đất gây ảnh hưởng đất, gây ô nhiễm đất, ô nhiễm môi trường thì sẽ bị quy vào mức xử phạt hành chính. Mức xử phạt này sẽ quy định rõ trong quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo đúng Luật pháp hiện hành.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:

Khi tiến hành san lấp đất bằng phế thải xây dựng gây nên một trong các thiệt hại nêu trên sẽ được coi là hành vi hủy hoại đất. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Nếu người có hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp khắc phục trên thì cơ quan Nhà nước có quyền thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai quy định ở Điểm b, Khoản 1, Điều 64.

Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà mức xử phạt hành chính sẽ khác nhau. Đồng thời, người vi phạm bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất giống với tình trạng đất trước khi bị vi phạm.

Xem thêm: 4+ trường hợp được hỗ trợ nhà ở tái định cư khi thu hồi đất!