Nhiều người dân không biết nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. Việc người dân nắm được rõ ràng quy trình, thủ tục và Pháp luật liên quan đến cấp Sổ đỏ sẽ giúp bạn đòi được quyền lợi cho mình. Dưới đây là nội dung giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn nếu còn đang phân vân nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
Nên xử lý như thế nào khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng?
Khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng, người dân có 3 cách để giải quyết. Từ cách giải quyết nhẹ nhàng cho đến đưa nhau ra Tòa án.
– Cách thứ nhất: Đến cơ quan có thẩm quyền và đề nghị họ trả lời về kết quả giải quyết, lý do vì sao chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. Việc trả lời này phải bằng văn bản theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP Khoản 8 Điều 19:
“Các hồ sơ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua bộ phận một cửa”.
– Cách thứ hai là người dân có quyền khiếu nại nếu bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. Điều này được quy định rõ tại Luật Khiếu nại.
– Cách thứ ba là căn cứ theo Luật Tố tụng hành chính, người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính nếu bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
Xem thêm: 8+ điểm mới về chính sách đất đai tại Nghị quyết 18-NQ/TW!
Vì sao nhiều người không thể khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng?
Rất nhiều người dân chưa biết về quyền lợi khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. Nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi. Thực tế thì việc cấp sổ có quy định chính xác thời gian được trả kết quả. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm phản hồi đúng hạn. Nếu không người dân hoàn toàn có thể khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
Khiếu nại và khởi kiện là quyền của người dân trong thủ tục hành chính. Việc khiếu nại hay khởi kiện đều phải căn cứ theo quy định của Pháp luật hiện hành.
Đây là 2 quyền riêng biệt. Nhưng 2 quyền này vẫn có những điểm chung mà người dân ít khi sử dụng. Có đôi khi người dân bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không biết. Hàng ngày chờ đợi Sổ đỏ, Sổ hồng trong mòn mỏi.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người dân không thể thực hiện khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. Cụ thể:
– Người dân khó có thể thu thập chứng cứ chứng minh cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước đó vi phạm.
– Khả năng thắng kiện thấp hơn nhiều so với việc khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực khác hoặc khởi kiện vụ án dân sự.
– Thay vì khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng, người dân thường hỏi nguyên nhân rồi chờ đợi. Số người yêu cầu câu trả lời bằng văn bản lại càng ít. Hoặc có người yêu cầu nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường không thực hiện.
Xem thêm: Phải biết 8+ nguyên tắc cấp Sổ đỏ này để tránh mất tiền và thời gian!
So sánh để biết nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
Như đã phân tích ở trên, cho dù là khiếu nại hay khởi kiện thì người dân cũng rất ít khi thực hiện. Một số người dân hiểu luật sẽ phân vân nên khiếu nại hay khởi kiện trong trường hợp này. Hãy so sánh sự khác biệt giữa khiếu nại và khởi kiện để có được sự lựa chọn chính xác nhất!
Tiêu chí so sánh | Khiếu nại | Khởi kiện |
Thời gian giải quyết | Thời hạn giải quyết tương đối nhanh.
– Nếu khiếu nại lần đầu, thời hạn giải quyết là không quá 30 ngày. Tuy nhiên, nếu tính chất vụ khiếu nại phức tạp có thể kéo dài không quá 45 ngày làm việc. Không tính thời gian nghỉ, nghỉ lễ, nghỉ tết. (Căn cứ theo Luật Khiếu nại 2011 Điều 28). Lưu ý: Riêng vùng sâu vùng xa, vùng khó di chuyển sẽ có thời hạn 45 ngày hoặc dưới 60 ngày tùy tính chất phức tạp của mỗi vụ khiếu nại. – Nếu khiếu nại lần 2, thời hạn giải quyết sẽ không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý, nếu vụ phức tạp thì không quá 60 ngày làm việc. (Điều 37 Luật Khiếu nại 2011). Lưu ý: Vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc di chuyển sẽ là 60 ngày làm việc hoặc dưới 70 ngày đối với vụ phức tạp. |
Thời hạn giải quyết tương đối lâu.
– Thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Nếu tính chất vụ án quá phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá hai tháng. (Luật Tố tụng hành chính 2015 Khoản 1 Điều 131). Lưu ý: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Như vậy, thời hạn từ ngày thụ lý cho đến khi mở phiên tòa phải kéo dài ít nhất từ bốn đến 7 tháng. |
Tính chất phức tạp của mỗi vụ và tỷ lệ thành công. | – Dễ thu thập bằng chứng hơn vì có thể căn cứ vào thời gian giải quyết thủ tục cấp Sổ đỏ, Sổ hồng thông qua giấy hẹn…
– Có thể dễ dàng khiếu nại trực tiếp hoặc gửi đơn khiếu nại. – Dễ đánh vào tâm lý những người làm hành chính. Vì họ thường không muốn gặp rắc rối để bị kiện ra Tòa. Họ sẽ xem xét và giải quyết sớm cho trường hợp khiếu nại đó. |
– Rất khó để thu thập chứng cứ, chứng minh.
– Vì mang nhau ra Tòa án, tính chất phức tạp được đẩy lên cao nên hồ sơ, thủ tục rườm rà hơn. Nhiều người thậm chí còn không biết làm hồ sơ như thế nào, phải nhờ bên thứ ba mất thêm chi phí… – Bản chất của vụ kiện là dân kiện quan, mức độ vụ án ở mức hành chính. Người dân thường thua thiệt. |
Chi phí | Chi phí khiếu nại không cao. Cho dù phải nhờ đến luật sư. | Khởi kiện thì vừa mất thời gian lại mất nhiều chi phí hơn. Chưa kể cần bên tham vấn, tư vấn luật để giải quyết. Chi phí cho việc đó không hề rẻ. |
Tâm lý của người dân | Gần như tâm lý người dân Việt Nam là dân đấu với quan chẳng bao giờ có lợi cho dân. Vì thế người dân thay vì khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng; họ thường chọn hỏi cán bộ và chờ đợi. Trừ trường hợp chờ đợi quá lâu hoặc quá bức xúc người dân mới khiếu nại. Còn trường hợp kiện ra Tòa án thì cực kỳ hiếm. | Ngại khởi kiện vì người bị khởi kiện là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan đó. Vì thế rất ít người dân kiện cáo trong trường hợp bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng. |
Xử lý sau khi khiếu nại/khởi kiện | Nếu không nhận được câu trả lời từ cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc họ không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính hoặc khiếu nại lần hai (đối với trường hợp khiếu nại lần một, nếu khiếu nại lần hai thì chỉ được khởi kiện). | Bản án có hiệu lực thì thực hiện theo bản án đó, không được khiếu nại. |
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người dân nên suy xét nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.