Đến hết quý I năm 2022 vốn đầu tư công chưa phân bổ vẫn còn đến hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ phân bổ theo báo cáo chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chỉ đạt 11% và vẫn còn 29 đơn vị chưa giải ngân đồng nào.
Để đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, trọng tâm vẫn là vừa kích cầu, vừa tạo việc làm và tạo ra tăng trưởng kinh tế. Năm 2022 và những năm tiếp theo đầu tư công phải tạo ra cú hích, lôi kéo đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Mục Lục:
Đầu tư công: Kích cầu trong ngắn hạn
Trong những năm dịch bệnh diễn ra Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải chịu hậu quả nặng nề của đại dịch. Nhưng giải ngân vốn đầu tư công đã có sự thay đổi rõ rệt: Năm 2020 đạt trên 91% so với kế hoạch năm, mức cao nhất giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ này tích cực hơn so với năm 2019 (đạt 90,5%), chưa kể quy mô vốn đầu tư công năm 2020 lớn hơn rất nhiều so với năm 2019 (tăng 34,5%). Kết quả giải ngân đã khích lệ tinh thần nỗ lực “vốn mồi” ngân sách đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đến nay khoảng 113.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ phục hồi 350.000 tỷ là dành cho đầu tư và phát triển hạ tầng. Một danh mục dài các dự án đã được xây dựng trong chương trình. Tuy nhiên điều quan trọng là chuẩn bị dự án và các điều kiện triển khai.
Bên cạnh vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách còn dành nguồn lực lên đến gần 114.000 tỷ đồng bổ sung cho đầu tư công trong hai năm 2022 – 2023. Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 32,65%, Thái Bình là 31,7%, Lai Châu là 27,3%.
Không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút” trong giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư công: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
“2022 cũng là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công, phải rất quyết liệt” Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết.
“Qua kinh nghiệm của năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của đơn vị mình. Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại. Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Chắc chắn năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt, quy trách nhiệm rất rõ ràng, đặc biệt đối với người đứng đầu”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị: Khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Xem thêm: 5 địa phương “thời tới cản không kịp” đón nhận vốn FDI khủng từ đầu năm
Nhằm rút ngắn các khâu xin ý kiến, chờ thông qua mới triển khai lập dự án, mời thầu, đấu thầu, giới đầu tư cho rằng, cần một “cuộc cách mạng” trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động làm ngay từ đầu tư. Vì có những ngành, địa phương và các chủ đầu tư đến gần cuối năm mới được giao vốn nên cần một bài học nữa là cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong việc xin vốn và giao vốn, hoặc bổ sung thêm vốn, thì không có cách nào để giải ngân hết vốn, vì khi có vốn mới tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, thi công…
Khi triển khai các dự án có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cần chủ động làm ngay từ đầu với phương châm “có mặt bằng sạch mới triển khai dự án”, thay vì triển khai đến đâu lại vướng đến đó và có những dự án kéo dài hàng chục năm vẫn không thể hoàn thành.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, với Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, sẽ tạo đột phá trong công tác này, từ đó đẩy nhanh tiến độ dự án. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Nếu chúng ta giải quyết được khâu này, giải phóng mặt bằng đi trước, làm trước thì sẽ khơi thông được dòng vốn, công tác thi công, xây lắp sẽ nhanh hơn”.
Xem thêm: Tạm dừng phân lô tách thửa, đất đai quay cuồng trước cơn sóng lớn!
Các bộ, ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để thúc giải ngân nhanh. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến cơ chế chỉ định thầu, bởi có thể quy trình “rút gọn” nhưng cần lựa chọn các nhà nhà thầu đủ năng lực và sẵn sàng các chế tài để xử lý nếu nhà thầu không đáp ứng tiến độ và chất lượng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện quy trình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, chuyển từ cơ chế kiểm soát trước, kiểm soát sau, thanh toán sau sang cơ chế thanh toán trước, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày, với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý thanh toán nguồn vốn đầu tư của Nhà nước theo hướng giảm thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm từng cấp và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời, cải thiện công tác tổng hợp báo cáo giữa chủ đầu tư, kho bạc nhà nước và cơ quan tài chính; nghiên cứu rút ngắn quy trình kiểm soát thủ tục thanh toán nguồn vốn nước ngoài theo hướng thực chất, gắn với trách nhiệm theo nguyên tắc áp dụng đối với nguồn vốn trong nước. Đối với các khoản thanh toán còn lại cũng quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc, tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.